Thứ Ba, 25 tháng 9, 2018

CÁCH LÀM BÁNH BỘT LỌC ĐƠN GIẢN


Bánh bột lọc – món ăn đậm đà hương vị, mang nét truyền thống của nhiều vùng miền. Mỗi một nơi lại có những cách làm nhân bánh khác nhau, nhưng dáng vẻ và mùi vị có lẽ sẽ có chút tương đồng. Một món ăn phổ biến đến vậy mà bạn lại chưa biết cách làm, Hãy cùng blog nấu ăn ngon học cách làm ngay trong bài viết này thôi!

Nguyên liệu:

- Thịt ba chỉ: 200g
- Bột năng 250g
- Gia vị: Tiêu, Muối, Hạt nêm, Tôm, Tiêu, Đường
- Hành lá

Nguyên liệu làm bánh bột lọc

Cách làm:

* Phần nhân bánh bột lọc:
Thái thịt ba chỉ thành các miếng nhỏ, thêm tiêu (1 thìa cà phê), hạt nêm (1 thìa cà phê), muối (1/2 thìa cà phê) vào thịt và ướp trong 3 phút.
Đối với tôm, đem cắt bỏ đầu. Ướp tôm với tiêu, hạt nêm, muối với tỷ lệ giống như với thịt trong 5 phút.
Dùng chảo, thêm một chút dầu ăn, xào thịt cho săn lại, rồi cho tôm vào xào lẫn cùng với thịt. Cho thêm 1 thìa cà phê đường để cho nhân thêm hương vị. Khi nhân chín, hãy bắt ra và sẵn sàng làm bánh nhé!

Nhân bánh bột lọc

* Phần vỏ bánh bột lọc:
Với lượng bột năng vừa chuẩn bị, hãy lấy một nửa và trộn với nước nóng, dùng thìa đảo đều cho hỗn hợp nhuyễn ra. Sau đó đổ số bột vừa đảo vào số bột còn lại.
Dùng tay nhào bột cho đến khi bột mịn là được (chú ý không nên để bột bị quá khô hay quá nhão vì chất lượng bánh làm ra sẽ không được đảm bảo).

* Làm bánh:
Bạn vo từng viên bột nhỏ sau đó cán mỏng ra, cho thêm nhân (tùy vào độ lớn nhỏ của nhân và vỏ bánh để cho nhé, không nên cho quá nhiều nhân và cũng không nên cho ít). Cho cả nhân tôm và thịt vào và gập vỏ bánh lại.

Bánh bột lọc đã nặn xong

Cứ tiếp tục nặn bánh cho đến khi hết bột nhé!

* Luộc bánh hoặc hấp:
Ở đây chúng ta có hai cách để làm chín bánh, luộc sẽ giúp bánh mềm hơn và hấp sẽ giúp bánh bột lọc hạn chế bị nát. Tùy vào khẩu vị mà lựa chọn khẩu vị khác nhau nhé.
Hấp bánh bột lọc: Cho bánh vào khay hấp, bắc nồi hấp lên với một chút nước. Hấp đến khi bạn quan sát thấy bánh có màu trong suốt là bánh đã chín.
Luộc bánh bột lọc: Bạn đun sôi một nồi nước lên và thả bánh vào. Đến khi bánh nổi lên thì vớt bánh ra và cho vào tô nước lạnh. Sau đó vớt ra đĩa, làm tương tự như bánh trôi.
Công đoạn cuối cùng, cho một chút dầu ăn vào chảo, cho hành lá và phi lên một chút. Lấy thìa múc hành lá và rưới lên đĩa bánh bột lọc, vậy mới đúng kiểu, nếu bạn sợ ngấy bởi dầu ăn thì có thể bỏ qua bước này cũng không sao.

Bánh bột lọc luộc

Bánh bột lọc hấp

Với cách làm trên, mong rằng bạn sẽ thành công và có thể thưởng thức món bánh bột lọc nổi tiếng nơi xứ Huế mộng mơ do chính tay mình làm rồi. À quên, hãy biết cách pha nước chấm ngon để tận hưởng trọn vẹn mùi vị nhé!

Xem thêm:

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2018

BÁNH BÔNG LAN VỚI NỒI CƠM ĐIỆN



Bánh bông lan có thể là món bánh yêu thích của nhiều người, và cũng có rất nhiều người muốn tự tay làm món bánh này nhưng lại không có điều kiện để mua lò vi sóng hay lò nướng để nướng bánh nên vẫn còn e dè. Nhưng bạn có biết rằng, bạn có thể tự tay làm một chiếc bánh bông lan để thưởng thức bằng một dụng cụ quen thuộc, đó là chiếc nồi cơm điện nhà bạn.
Cùng học cách làm nhé!

Nguyên liệu

- Bột mỳ đa dụng
- Trứng gà
- Muối
- Đường
- Nồi cơm điện, máy đánh trứng hoặc phới,... Bạn có thể cho thêm sữa tươi, ca cao, cà phê, dứa,.. để có thêm hương vị cho bánh.

Nguyên liệu làm bánh bông lan

Cách làm

Bước 1: Lấy trứng gà và đập trứng ra bát, tách riêng lòng đỏ và lòng trắng trứng gà. Phần lòng trắng trứng bạn hãy dùng máy đánh trứng đánh cho bông  lên, tức là đến khi nào bọt của trứng cứng lại (khi nhấc phới lên phần kem trứng có thể đứng thẳng là trứng đã được đánh tốt). Khi trứng sắp được, cho thêm chút muối và đường vào (tùy khẩu vị của bạn) và tiếp tục đánh cho tan đường.

Độ bông của trứng quyết định độ bông của bánh bông lan

Độ bông của lòng trắng trứng sẽ quyết định độ bông của bánh bông lan.

Bước 2: Lấy bột mỳ (lọc qua rây để bột không bị vón cục) cho vào phần lòng đỏ trứng gà và nhào đều bột lên (để bánh bông hơn bạn có thể cho thêm một chút men nở). Khi bột được tơi ra hãy cho phần kem trứng vào bột, vừa cho vừa đảo đều để bột không bị vón cục, đảo đều (chú ý nên sử dụng thìa hoặc muôi bằng đảo nhẹ nhàng để bột kem không bị tan). Đảo cho đến khi hỗn hợp đạt độ nhuyễn, nó sẽ trông như cháo của trẻ em vậy. hehe

Cho bột vào phần lòng đỏ trứng

Bước 3: Phết một chút dầu ăn hoặc dùng giấy bạc đặt dưới đáy nồi cơm điện. Cho hỗn hợp vừa làm vào nồi cơm điện, nhấn nút nấu. Khi nấc nồi cơm điện bật lên bạn kiểm tra bánh xem đã chín chưa bằng cách nhấn vào bánh. Nếu thấy bánh bông và mềm thì tức là đã chín, nếu thấy bánh vẫn chưa bông lắm hãy nhấn nút nấu tiếp và sau đó lại kiểm tra bánh lần nữa.

Cách kiểm tra bánh bông lan

Khi bánh chín, hãy lấy dao nhỏ lia theo hình bánh và cạnh nồi để dễ dàng đổ bánh ra hơn. Úp một chiếc đĩa vào miệng nồi cơm điện và đổ bánh ra.

Bánh bông lan hấp dẫn đã hoàn thành

Một chiếc bánh bông lan thơm ngon đã được làm bằng  nồi cơm điện rất đơn giản và dễ dàng. Bạn hoàn toàn có thể tự tay mình làm được thông qua cách làm bằng nồi cơm điện, hãy thử nhé – mọi người đang chờ đợi được thưởng thức chiếc bánh của bạn đấy.

Bài viết liên quan:

Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018

CÁCH LÀM BÁNH MỲ KHÔNG CẦN LÒ NƯỚNG


Bánh mỳ – thực phẩm thường xuyên được sử dụng làm bữa ăn sáng cho gia đình, nhưng bạn lại lo lắng về việc những chiếc bánh bên ngoài có thể bị thêm chất bảo quản hoặc một số chất phụ gia không tốt. Vậy thì bạn hoàn toàn có thể tự mình làm những chiếc bánh mỳ để bữa sáng của bạn an toàn và ý nghĩa nhất mà không cần thiết phải có một chiếc lò nướng.

Nguyên liệu:

- Bột mỳ đa dụng
- Men nở
- Muối
- Đường
- Một chút dầu ăn
- Trứng gà

Nguyên liệu làm bánh mỳ

Cách thực hiện:

Bước 1: Cho men nở, muối và đường (tùy vào khẩu vị mà cho gia vị hợp lý), trứng gà vào bột mỳ. Nhào bột như làm bánh bao, hay bánh rán. Để bánh được nở đều và mềm bánh hãy cố gắng nhào bột thật nhuyễn, mịn. Bạn nên cân nhắc về tỷ lệ men, trứng, muối và đường sao cho hợp lý với số bột bạn định làm.

Nhào bột thật mịn để bánh mỳ ngon hơn

Bước 2: Sau khi đã nhào bột xong xuôi, nếu muốn cho nhân bánh hãy chuẩn bị nhân (nhân có thể là đỗ xanh, dừa, trứng sữa,..). Tiếp theo là tạo hình cho chiếc bánh mỳ của bạn:
- Hình tròn: Hãy cắt từng miếng bột nhỏ và nặn thành những hình tròn nhỏ vừa, vì không dùng lò nướng nên nếu bạn làm bánh quá to sẽ khó chín trên chảo.

- Hình xoắn: giống như những chiếc bánh mỳ bạn thường thấy bày bán có hình xoắn. Muốn làm được như vậy hãy lấy một miếng bột nhỏ và cán mỏng, sau đó cuốn từ một góc của miếng bột cho đến khi cuộn tròn hết miếng bột. Vậy là bạn đã có một chiếc bánh hình thù rất ngộ nghĩnh rồi.

Những chiếc bánh mỳ hình xoắn đẹp mắt

- Hình dài: Đây là một hình thù phổ biến của những chiếc bánh mỳ phổ biến.  Lấy một miếng bột nhỏ và nặn dài bột ra là được, khéo léo một chút thì hình thù của chiếc bánh sẽ đẹp hơn.

Những chiếc bánh mỳ dài phổ thông

Bước 3: Hãy dùng một chiếc chảo chống dính, phết một chút dầu ăn để ướt chảo. Đặt những chiếc bánh vừa làm vào chảo.
Nên để nhiệt độ thấp để bánh có thể chín mà không làm cháy vỏ bánh bên ngoài. Thường xuyên dở bánh để bánh được chín đều và vàng đều.

Bánh mỳ thành phẩm đẹp mắt

Khi thấy bánh phồng và mềm thì đồng nghĩa với việc bánh đã chín. Hãy  lấy bánh ra và thưởng thức thôi nào. Chúc bạn thành công với công thức trên nhé!

Xem thêm:

Thứ Tư, 19 tháng 9, 2018

CÁCH LÀM BÁNH BAO CHIÊN



Bánh bao là món ăn thơm ngon và hấp dẫn của nhiều người và bạn cũng thế. Vậy nhưng bạn đã chán ngán với những chiếc bánh bao hấp thông thường, vậy thì sao không học cách làm bánh bao chiên ngầy ngậy, giòn rụm để thay đổi khẩu vị chứ.

* Nguyên liệu:

- Bột mỳ đa dụng 240g
- Đường 30g
- Men nở 3g
- Bột nở
- Muối 2g
- Dầu ăn

* Cách thực hiện:

Bước 1: Cho bột mỳ ra tô, thêm men nở và bột nở đã chuẩn bị sẵn. Khuấy đều hỗn hợp để men và bột mỳ có thể được trộn đều với nhau. Bột nở và men nở sẽ giúp bột sau khi nhào được nở, bánh bao khi hấp xong cũng sẽ phồng to lên giúp nó mềm hơn và bông hơn.

Bột mỳ trộn với men nở, bột nở để làm bánh bao

Bước 2: Hãy lấy một chút nước tầm khoảng 200ml. Thêm đường, muối, dầu ăn vào cốc nước và dùng thìa hòa tan chúng với nước.
Sau đó hãy lấy hỗn hợp nước vừa hòa để nhào bột, hãy nhào bột thật mịn và dẻo, đều tay để đạt được chất lượng bánh tốt nhất nhé.


Nhào bột bánh bao cần chú ý đến độ ẩm của bột

Khi nhào bột  các bạn nên chú ý: Nếu bột quá nhão hãy cho thêm chút bột và nhào lại thật nhuyễn và kỹ, nếu bột bị khô hãy cho thêm chút nước và cũng nhào lại bột làm sao để bột có độ ẩm tốt nhất.

Bước 3: Tạo hình cho những chiếc bánh bao
Vì bánh bao chiên trong hướng dẫn là bánh không nhân nên bạn hãy cán bột đều (như một mặt phẳng rộng và mỏng), sau đó hãy cuộn tròn miếng bột vừa cán ra. Ở đây, bánh bao được tạo hình xoắn nên cần cuộn tròn bột lại, khi làm bạn hoàn toàn có thể nặn thành hình thù mình muốn, nhưng nên nhớ là tạo kích thước bánh bé và đồng đều để khi hấp bánh có thể chín đều.


Tạo hình thù bánh bao tùy ý muốn

Hãy lấy dao hoặc dụng cụ cắt bột, cắt khúc bột ra thành hình những chiếc bánh vừa ăn. Khi  làm bánh bao chiên bạn chỉ cần ủ bột trong khoảng 30 phút không để bột quá nở nhưng nếu làm bánh bao bình thường bạn cần ủ bột trong khoảng 60 phút để bột có thể nở được hết cỡ.
Sau thời gian ủ bột, tiến hành mang bánh bao đi hấp như làm bánh bao bình thường. Tuy nhiên cũng không cần hấp quá lâu như bánh bao thường mà bạn chỉ cần hấp 8 – 10 phút là được.


Hấp bánh bao cho chín vừa

Bước 4: Giờ thì đến lúc hoàn thành chiếc bánh bao chiên rồi. Đổ dầu vào chảo vừa mức ngập được bánh, để dầu nóng vừa và cho bánh bao vào chiên.


Chiên bánh bao ngập dầu

Khi chiên bánh bạn nên trở bánh nhiều lần để bánh có thể vàng đều hai mặt. Khi thấy bánh đã vàng đều hãy vớt bánh ra, có thể để trên giá để ráo bớt dầu hoặc bạn có thể dùng giấy thấm dầu, nên tránh để bánh ngấm nhiều dầu vì khi ăn sẽ dễ bị ngán.


Thành phẩm bánh bao của bạn

Vậy là chỉ vài bước đơn giản bạn đã có món ăn hấp dẫn cho những ngày mưa gió rồi. Hãy thử làm cho bạn bè và gia đình thưởng thức nhé. Chúc bạn thành công.

Tham khảo: 

Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

CÁCH LÀM CHÈ KHOAI DẺO THƠM NGON, HẤP DẪN

Chè khoai dẻo Đài Loan, một món ăn vô cùng hấp dẫn và cũng đang là món ăn được ưa chuộng của các bạn trẻ hiện nay. Bạn có lo lắng rằng trong những cốc chè bán ngoài thị trường sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe nếu nó sử dụng đường hóa học và một số phụ gia, vậy tại sao không học cách nấu cho gia đình, bạn bè thưởng thức món chè tuyệt vời này bằng cách làm đơn giản dưới đây.

Nguyên liệu làm chè khoai dẻo:

- Khoai lang vàng: 150g
- Khoai lang tím: 150g
- Bột năng: 120g
- Đường trắng: 80g
- Nước cốt dừa
- Vừng rang

Nguyên liệu làm chè khoai dẻo

Cách làm chè khoai dẻo:

Bước 1: Tiến hành nạo bỏ vỏ khoai lang vàng và khoai lang tím, cắt bỏ 2 đầu của củ khoai để bớt xơ khi nháo bột. Sau đó rửa sạch và cắt khúc  tầm 2 - 3 cm là được.
- Đem hấp khoai cho chín. Đem khoai ra dùng thìa, dĩa nghiền nát và nhào với bột năng, cần nhào khi khoai còn nóng nên bạn có thể đến loại khoai nào thì mới lấy ra khỏi nồi hấp để đảm bảo khoai vẫn còn nóng.

Khoai lang sau khi hấp xong (làm chè khoai dẻo)

- Sử dụng một nửa số bột năng đã chuẩn bị từ trước để cho vào cùng khoai để nhào. Bạn tiến hành nhào bột đến khi nào bột mềm dẻo (như làm bánh bình thường vậy) thì được. Nếu trong quá trình nháo bột mà bị khô bạn có thể cho thêm nước để có bột khoai được dẻo nhất và ngon nhất khi làm chè.
- Cách làm tương tự khi làm với khoai lang tím hoặc với khoai sọ nếu bạn muốn cho thêm.

Bước 2: Sử dụng bột khoai vừa nhào vê thành cách viên nhỏ hoặc thành một dây dài và cắt khúc ra, hình thù tùy vào mong muốn của người làm.

Chè khoai dẻo được nặn thành viên tròn

Chè khoai dẻo được cắt thành khúc

- Đem những miếng khoai vừa làm đi luộc, đến khi những miếng khoai nổi lên (tương tự như luộc bánh trôi), bạn vớt ra và cho vào một bát nước lạnh, để khoảng 5 phút rồi vớt ra.

Bước 3: Bắt một nồi nước lên bếp, cho thêm đường (tùy vào khẩu vị người ăn có thể cho nhiều hoặc ít đường), thêm nước cốt dừa, đun sôi nhẹ rồi cho bột năng đã hòa tan vào nồi.
- Tắt bếp, đổ chè khoai dẻo vào, để nồi chè sôi nhẹ sau đó tắt bếp và bắt nồi ra
- Múc ra bát, chén. Thêm một chút vừng rang là bạn có thể thưởng thức món chè ngon tuyệt hảo do chính tay mình làm rồi đấy.

Một ly chè khoai dẻo thơm ngon, hấp dẫn

Cách làm rất đơn giản, hy vọng bạn có thể nhanh chóng cho bạn bè người thân của mình thưởng thức ly chè khoai dẻo do chính tay bạn làm nhé!

Đọc thêm:

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Tỉa hoa quả nghệ thuật




Cắt tỉa hoa quả - một nghệ thuật xuất sắc. Xem mà thích quá nhưng mình không khéo tay thì đành chiêm ngưỡng thôi vậy. Chị em nào khéo tay thử học xem ạ, nhìn thành quả mà cũng chỉ muốn ngắm mãi.


Bài viết liên quan:

Cách làm kẹo dẻo đơn giản tại nhà
Làm thịt ba chỉ nướng áp chảo thơm ngon hấp dẫn
Nấu thịt kho tàu nhanh chóng bằng nồi áp suất

Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

CÁCH LÀM KẸO DẺO CHIP CHIP

Kẹo dẻo – một món ăn ưa chuộng của trẻ nhỏ, trên thị trường bày bán rất nhiều mà các bé nhà bạn hay gọi là kẹo dẻo chip chip. Kẹo có rất nhiều vị mà chủ yếu theo các vị hoa quả. Dù bé nhà bạn rất chuộng món này nhưng vì những sản phẩm trên thị trường bạn lo lắng rằng nó chất bảo quản và sử dụng đường hóa học. Vậy tại sao không tự học cách làm để cho bé yêu ăn thỏa thích mà hơn hết là đảm bảo an toàn nữa.

Nguyên liệu cần chuẩn bị (đủ để là 2 khay kẹo nhỏ)

- 20g gelatin Nhật Bloom
- 25g đường trắng, có thể cho thêm hoặc bớt tùy khẩu vị
- 2 khay nhỏ, có thể là khay nhựa hoặc silicon. Khi sử dụng khay silicon bạn có thể dễ dàng lấy kẹo ra hơn khay nhựa.
- 25g siro hoa quả. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng nước cốt hoa quả tươi, xoay hoa quả ra và lọc lấy nước cốt để sử dụng.
- 120ml nước lọc
- Thìa, nồi và bếp

Nguyên liệu cần để làm kẹo dẻo


Tiến hành làm kẹo dẻo:

Hòa bột gelatin với 20 – 30 ml nước và để trong 10 phút để cho bột có thể nở. 

Bột gelatin để làm kẹo dẻo

Trong thời gian đó bạn đổ siro hoặc nước cốt hoa quả vào nồi, thêm 90 – 100ml nước vào nồi. Cho đường vào và khuấy đều cho đến khi đường ta gần hết là được.
Sau đó, bạn đun hỗn hợp vừa chuẩn bị trên bếp cho đến khi hỗn hợp sôi. Bạn lấy gelatin vừa hòa đổ vào nồi, khuấy đều cho đến khi bột gelatin tan hết thì tắt bếp và bắt nồi ra.
Vì khi bạn khuấy hỗn hợp vừa đun sẽ có rất nhiều bọt, lấy thìa và vớt qua bọt trên bề mặt để khi cho vào khuôn kẹo không có những lỗ bên trong.


Cẩn thận nhỏ hỗ hợp kẹo dẻo vài khuôn

Hãy lấy một ống hút (khi mua khuôn hoặc nơi bán dụng cụ sẽ có bán những ống đó) để có thể dễ dàng cho vào các khuôn nhỏ mà không bị trào ra ngoài khuôn.

Kẹo dẻo sau khi bỏ vào tủ lạnh

Xong xuôi rồi, giờ thì hãy cho những khuôn này vào tủ lạnh từ 2 đến 3 giờ đồng hồ để kẹo đông lại. 

Thành phần đẹp mắt, an toàn

Vậy là bạn có thể hoàn thành món kẹo dẻo thơm ngon cho bé yêu thưởng thức mà không lo độc hại rồi nhé!





Chú ý: Bạn nên nhanh chóng múc hỗn hợp kẹo vào khuôn vì nó sẽ rất nhanh keo lại và rất khó để múc vào khuôn. Chúc các mẹ thành công với cách làm trên nhé.



Thứ Tư, 5 tháng 9, 2018

Cơm trưa đến trường

Tránh mất thời gian và những tai hại không đáng có về vấn đề thực phẩm, cùng thực hiện những hộp cơm nhỏ xinh để những đứa trẻ của bạn có thể học tập tốt hơn nhé!

QUẨY GIÒN ĐƠN GIẢN THƠM NGON

Quẩy là một món ăn vặt được nhiều người yêu thích, đặc biệt là những ngày mưa gió mà được nhâm nhi một đĩa quẩy thì thật không còn gì bằng. Học cách tự làm món quẩy đơn giản tại nhà vừa an toàn mà lại vừa thơm ngon nào.

Nguyên liệu cần chuẩn bị cho món quẩy thơm ngon

Bột mỳ đa dụng

- Bột nở

- Muối

- Đường

- Gừng, dầu ăn

- Trứng gà


Một số nguyên liệu cần có khi làm quẩy giòn


Cách làm món quẩy khi có đầy đủ nguyên liệu

Thực hiện nhào bột mỳ với trứng, bột nở, thêm chút muối, dầu ăn và thêm đường nếu muốn ăn ngọt. Có thể chắt lấy nước cốt của gừng hoặc băm nhỏ gừng để cho vào luôn khi nhào bột.
Khi bột đã sẵn sàng, sử dụng tay hoặc chày để cán bột thành những viên bột nhỏ. Vo tròn và tạo thành những sợi bột dài, khi làm quẩy bạn hoàn toàn có thể tạo ra các hình thù khác nhau tùy theo ý muốn của mình nhé.

Tạo quẩy thành những hình thù mà bạn muốn

Việc chiên quẩy cũng đơn giản: Cần một chiếc nồi hoặc chảo, đổ dầu vừa đủ ngập quẩy và khi dầu sôi hãy cho quẩy vào, chiên đến khi vàng đều là được.
Để cho quẩy đỡ dầu ngấm vào có thể vớt lên giá để dầu chảy bớt hoặc sử dụng giấy thấm dầu. Khi quẩy nguội là bạn có thể thưởng thức và cất vào lọ.
Bên cạnh đó, nếu muốn ngào đường bên ngoài bạn hoàn toàn có thể cho đường chảy trên chảo và thêm gừng. Cho quẩy vào và đảo đều để ngấm đều đường, đợi hơi khô thì có thể bắt ra.

Đĩa quẩy thơm ngon khi được ngào đường


Cách làm quẩy khi bạn không có đủ nguyên liệu

Khi bạn không có đủ nguyên liệu để làm món quẩy, nhưng vẫn muốn làm và thưởng thức món quẩy thì với những kinh nghiệm tự mày mò của mình tôi có thể bày cho bạn cách này. Tuy nhiên, nó có thể không hợp khẩu vị với nhiều người nhưng biết đâu nó lại là một món ngon đối với bạn thì sao.
Cách làm như sau:
Nhào bột như bình thường, cho thêm chút muối, dầu ăn. Nặn bột và tạo thành các hình thù chiếc quẩy tùy theo ý thích. Cách này đặc biệt là bạn có thể cho thêm bột nở hoặc không, nếu cho bột nở thì khi chiên quảy sẽ giòn và phồng hơn.
Tiến hành đem rán trên dầu nóng. Đến khi vàng giòn thì vớt ra, để ráo dầu và nguội như cách làm ở trên đã nói.

Tự làm món quẩy đơn giản, dễ làm

Món này mà chấm thêm tương ớt thì cũng rất ngon. Tuy nhiên, nó chỉ giòn khi còn hơi nóng, nếu để một thời gian dài thì sẽ rất khô, dai và không thể ăn được. Vì vậy đây chỉ là biện pháp chống chế khi bạn không có đủ nguyên liệu thôi nhé. Hãy cố gắng làm ngon nhất với những gì mình có thể nhé.

Chúc bạn thành công và có được món ăn tuyệt vời nhâm nhi ngày mưa gió cùng gia đình và bạn bè.

Xem thêm:

TIN NỔI BẬT

HỌC CÁCH NẤU CANH BÚN ỐC GIẢI NHIỆT NGÀY HÈ

    HỌC CÁCH NẤU CANH BÚN ỐC GIẢI NHIỆT NGÀY HÈ       Canh bún ốc là món ăn khá phổ biến ở mọi gia đình Việt Nam vào những ngày hè. V...